Đạo nghiệp Phạm_Công_Tắc

Trong số mười hai tín đồ đầu tiên của Cao Đài, Phạm Công Tắc là người có sự nghiệp ngoài đời khiêm tốn hơn, nhưng trong Tôn Giáo Cao Đài, ông là một trong những người quan trọng nhất trong việc xây dựng và kiện toàn tổ chức của tôn giáo này. Lập Cơ quan truyền giáo Hải ngoại

Đàn cơ ngày 27 tháng 7 năm 1927, tại Campuchia, Đức Cao Đài ân phong các vị sau đây vào hàng chức sắc:

- Giáo Hữu: Thượng Bảy Thanh (Lê Văn Bảy).

- Giáo Hữu: Thượng Lắm Thanh (Nguyễn Văn Lắm).

- Giáo Hữu: Ngọc Sự Thanh (Võ Văn Sự).

- Lễ Sanh: Thượng Chữ Thanh (Đặng Trung Chữ).

- Lễ Sanh: Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh).

- Lễ Sanh: Thái Của Thanh (Phạm Kim Của).

- Nữ Giáo Hữu: Hương Phụng (Bà Batrya Trần Kim Phụng).

- Nữ Giáo Hữu: Hương Huê (vợ của Ông Lê Văn Bảy).

- Tiếp Đạo: Cao Đức Trọng.

Với số chức sắc đầu tiên này, ông thành lập Cơ quan truyền giáo Hải ngoại, thường gọi là Hội Thánh Ngoại Giáo tại Nam Vang, có nhiệm vụ truyền đạo cho người ngoại quốc tại đây gồm: Việt kiều, Hoa kiều, người Pháp và người Campuchia.

Cất Tòa Thánh Tây Ninh

Ngày 14 tháng 2 năm 1936, Hộ pháp Phạm Công Tắc, bấy giờ là Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài, nắm quyền lãnh đạo Hội Thánh Cao Đài, đã huy động 500 vị Phạm Môn (tiền thân của Cơ quan Phước Thiện) tiếp tục khởi công xây cất Tòa Thánh Tây Ninh. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu các tín đồ khác quyên góp tiền bạc, vật liệu, lương thực, gởi về Thánh địa để việc xây dựng tạo tác Tòa Thánh không bị gián đoạn.

Việc xây dựng được tiến hành liên tục trong hơn 4 năm và hầu như hoàn thành căn bản, chỉ còn phần tạo tác trang trí. Tuy nhiên, ngày 28 tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp lo ngại trước các hoạt động của đạo Cao Đài, nên đã cho bắt giữ Hộ pháp Phạm Công Tắc, Khai pháp Trần Duy Nghĩa và một số chức sắc cao cấp khác đày đi Madagascar. Họ cũng cho quân lính chiếm đóng chiếm đóng Tòa Thánh làm nhà xe và chỗ ở cho lính Pháp, đuổi các chức sắc và công thợ ra khỏi Tòa Thánh.

Mãi đến ngày 30 tháng 8 năm 1946, để tranh thủ thêm đồng minh trong cuộc chiến chống Việt Minh, chính quyền Pháp cho phép Hộ pháp Phạm Công Tắc trở về Tòa Thánh. Sau khi trở về Tòa Thánh, ông đã huy động số thợ trở lại để sửa chữa những chỗ hư hỏng của Tòa Thánh do lính Pháp gây ra, rồi tiếp tục tạo tác cho đến ngày 24 tháng 1 năm 1947 thì Tòa Thánh được hoàn thành. Ngày 27 tháng 1, Hộ pháp Phạm Công Tắc làm lễ Trấn Thần Tòa Thánh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, mãi 8 năm sau, Đại lễ Khánh thành Tòa Thánh và các cơ sở Đạo trong vùng Thánh địa mới được tổ chức vào ngày 1 tháng 2 năm 1955.[16]

Lập các phẩm Chức sắc HTĐ dưới Thập nhị Thời Quân

Năm 1935, ông lập ra 7 phẩm Chức sắc dưới Thập nhị Thời Quân, để làm nhân viên giúp cho các vị Thời Quân hành quyền tư pháp của Hiệp Thiên Đài.

Bảy phẩm chức sắc đó là:

1.    Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

2.    Chưởng Ấn.

3.    Cải Trạng.

4.    Giám Đạo.

5.    Thừa Sử.

6.    Truyền Trạng.

7.    Sĩ Tải.

Dưới phẩm Sĩ Tải, ông lập một phẩm thứ 8 nữa là Luật Sự.

Lập Cơ quan Phước Thiện

Ngày 10 tháng 12-năm 1938, ông cùng Giáo Tông Lý Thái Bạch ban hành Đạo Nghị Định số 48/PT thành lập Cơ quan Phước Thiện với 12 phẩm cấp chức sắc gọi là Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng. Cơ quan Phước Thiện này là cơ quan tạo lập các cơ sở kinh tế và làm ra của cải vật chất cho đạo Cao Đài nhằm hỗ trợ các việc sinh hoạt trong đạo và cứu trợ từ thiện xã hội đối với trẻ em mồ côi, người già cả neo đơn. Và tổ chức các cuộc cứu trợ nạn nhân bị chiến tranh, thiên tai.

 Xây dựng 3 Cung 3 Động

Ông còn cho xây dựng 3 Cung 3 Động, làm Tịnh thất truyền Bí pháp luyện đạo cho các vị tín đồ tu chơn.

Năm 1947, ông cho xây cất Trí Huệ Cung - Thiên Hỷ động làm tịnh thất cho nữ phái và hoàn thành ngày 22 tháng 01 năm 1951.

Ngày 29 tháng 12 năm 1954, ông ban hành Huấn lịnh số 285/VP-HP, xây dựng Trí Giác cung - Địa Linh động làm tịnh thất cho cả nam và nữ.[17]

Ngày 23 tháng 11 năm 1954, ông đích thân lên núi Bà Đen để định chỗ xây dựng cơ sở tịnh thất lấy tên là Vạn Pháp Cung - Nhơn Hòa động dùng làm tịnh thất cho nam phái. Đến tháng 3 năm 1955, chính thức khởi công xây dựng.[18]

Cất Chợ Long Hoa

Kể từ năm 1947 trở về sau, chiến tranh giành độc lập của Việt Minh chống lại quân đội Pháp lan rộng khắp nơi, khiến cho các tín đồ Cao Đài từ khắp các nơi đổ dồn về vùng Thánh địa Tây Ninh lập nghiệp càng lúc càng đông. Nên ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thìn (dl 28 tháng 12 năm 1952), ông cho khởi công xây dựng chợ Long Hoa theo vị trí và bản vẽ của ông để tín đồ Cao Đài có nơi buôn bán làm ăn. Ngày nay, đây là ngôi chợ lớn nhất của tỉnh Tây Ninh và được dổi tên lại là Trung tâm thương mại Long Hoa. Chợ nằm tại huyện Hòa Thành, cách Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 1 km.[19]

Một giáo sĩ nhiệt thành

Ngoài nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh, ông còn là một nhà tu hành. Đối với các tín đồ Cao Đài, ông nhân danh Thượng đế rao giảng chân lý trong nhân gian. Chưa kể đến những bài diễn văn trong các buổi lễ tôn giáo, những bài giảng đạo của ông về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống và Bí Pháp đã được Ban Tốc Ký Tòa Thánh Tây Ninh ghi lại và phát hành. Tín đồ Cao Đài xem tài liệu này là rất quan trọng bởi vì nội dung của những bài thuyết giảng này chứa đựng triết lý và các phương cách tu tập chính thức rất đặc trưng của Đạo Cao Đài.

Một nhà quy hoạch xây dựng

Chính ông là người khởi công xây dựng Tòa Thánh vào năm 1936 và tổ chức lễ khánh thành Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 1955. Toà Thánh là cơ ngơi quan trọng nhất của tôn giáo Cao Đài (Thể pháp quan trọng nhất).

Thiếu thể pháp này, đạo Cao Đài không thể nào phát triển thành một tôn giáo có qui củ được.

Điều quan trọng là toàn bộ công thức và phương án xây dựng một thế giới mới "trong Bác ái và Công Bằng" đã được ông ký gởi vào các công trình kiến trúc để làm mô hình cho phần văn bút của ông...

Triết lý của Đạo Cao Đài do Thượng đế mà có.

Triết học của Đạo Cao Đài do Hộ pháp Phạm Công Tắc mà nên hình.

Ngoài ra, nhiều cơ sở vật chất khác cũng được xây dựng trong thời gian ông cầm quyền Giáo chủ Cao Đài, như: Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung, chợ Long Hoa, Báo Ân Từ (Điện thờ Phật Mẫu tạm), v.v...

Cũng còn một số cơ sở khác đã được quy hoạch sẵn cho hậu tấn thực thi.

Đến nay những cơ sở này vẫn chưa được khởi công xây dựng. Trong số này có thể kể ra Vạn Pháp Cung, Điện thờ Phật Mẫu chính thức; sân bay Trí Huệ Cung. Và chính ông đã lập ra Tịnh thất đầu tiên của tôn giáo Cao Đài là Trí Huệ Cung.

Ông nắm quyền Chí Tôn tại thế để ban hành: Luật Lệ chung các Hội; Nội Luật Hội Nhơn Sanh; Nội Luật Hội Thánh; trong 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh. (Không có ba luật nầy thì không có quyền Vạn Linh trong Đạo Cao Đài). Đặc biệt là Đạo Luật Mậu Dần "1938" đề lập ra tứ trụ của hành chính Tôn giáo Cao Đài là: Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế và Toà Đạo.

Thể pháp Tôn giáo "như ăn chay- thực hành nhân nghĩa" đã được ông đưa vào xã hội và hoà tan vào lòng cư dân Thánh địa Cao Đài tạo nên nết sống văn hóa trong xã hội và con người Tây Ninh nói riêng và toàn thể tín đồ Cao Đài trên thế giới nói chung cho đến ngày hôm nay.

Dấu ấn rõ nhất là:

- Bố trí hạ tầng ở Thánh Địa Tây Ninh. (Tỷ lệ đường giao thông cao nhất Việt Nam hiện nay)

- Hai thực tế được kiểm chứng chính xác là:

  • Hiện nay Thánh Địa là nơi có nhiều người làm việc nghĩa " Tự nguyện giúp đỡ người khác mà không nhận tiền" không nơi nào có được " Tang lễ được cử hành long trọng và hoàn toàn miễn phí....."
  • Hiện nay là nơi có tỉ lệ người ăn chay cao nhất Việt Nam và cả thế giới...

Kết luận một cuộc đời gắn liền với thăng trầm nền Đạo

Cuộc đời của Hộ pháp Phạm Công Tắc gần như là lịch sử của đạo Cao Đài trong 31 năm đầu tiên, kể từ lúc sơ khởi nền Đạo năm 1925 cho đến năm 1956 khi ông rời khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, lưu vong sang Campuchia.

Ông được xem là một trong những môn đệ yêu ái nhứt đầu tiên của Đức Cao Đài, lại là người trẻ tuổi được Đức Cao Đài đặt vào phẩm vị cao quý nhứt của Hiệp Thiên Đài, 37 tuổi đắc phong Hộ pháp, và kể từ năm đó, ông xả thân hành đạo cho đến ngày sức tàn, lực kiệt, trở về thiêng liêng vị.

Cho nên công nghiệp của ông đối với đạo Cao Đài vĩ đại nhất so việc tất cả các Chức sắc cao cấp cầm quyền điều khiển nền Đạo thuở ban đầu.

Trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, cũng như trong khắp vùng Thánh địa Tây Ninh, từ những Đền thờ đến các dinh thự, từ những con đường lớn hay nhỏ đến các cây cầu, từ những ngôi chợ đến các khu nhà ở trật tự khang trang, từ những ngôi trường dạy trẻ em nhà Đạo cho đến các Y Viện, Dưỡng Lão, Cô Nhi Viện, vv... đâu đâu cũng đều thấy có những dấu tích nhắc nhở công nghiệp vĩ đại của ông.

Thể xác của ông tuy đã mất, hình bóng ông tuy đã khuất, nhưng trong lòng của mỗi tín đồ Cao Đài trong nhiều thế hệ vẫn ghi khắc hình ảnh sống động của ông.

Theo lời của bà Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu và của ông Hiến pháp Trương Hữu Đức là "Không có Đức Ngài thì không có Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vì khi Đức Chí Tôn đến với Đức Ngô Minh Chiêu, chỉ xưng là Thầy và ban hồng danh Cao Đài Tiên Ông". Câu nói này đã nói lên ý nghĩa to lớn của ông đối với sự hình thành và phát triển của Cao Đài giáo.

Với công nghiệp vĩ đại đối với nền đạo Cao Đàinhân loại, Hiền Tài Trần Văn Rạng Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, một chức sắc Cao Đài đã kết luận tóm lược cuộc đời ông trong quyển Chân dung Hộ pháp Phạm Công Tắc bằng câu: "Tâm vô quái ngại, đại hùng, đại lực, đại từ-bi".[20]

Liên quan